Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

UBND xã Tân Khánh thông báo sâu bệnh hại lúa vụ xuân năm 2022

2022-05-04 14:55:00.0

Sâu bệnh hại lúa xuân 2022 và một số biện pháp phòng trừ.

 

Căn cứ Thông báo sâu bệnh số 04/TTDVNN ngày 28/4/2022 của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình;

Căn cứ vào kết quả điều tra thăm đồng của BCĐ sản xuất nông nghiệp xã Tân Khánh cho thấy, cây lúa xuân đang giai đoạn: Làm đòng -Trỗ bông. Điều kiện thời tiết hiện nay âm u ít nắng, xen kẽ có mưa nhỏ là điều kiện thuận lợi cho một số dịch hại phát sinh gây hại cây lúa, cụ thể như sau:

- Bệnh đạo ôn trên lúa gây hại trên lá tỷ lệ hại trung bình 0,5 - 2%; nơi cao 4,2 - 5,5% lá bị bệnh.

- Bệnh khô vằn tỷ lệ hại trung bình 3 - 5%; nơi cao 10 - 20% dảnh lúa bị hại.

- Sâu đục thân, chuột gây hại rải rác.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trong thời gian tới thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào kèm theo dông, ẩm độ cao thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại tăng như: Bệnh đạo ôn trên lá, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn xuất hiện gây hại trên trà lúa Xuân trong giai đoạn đòng - trỗ bông; Bệnh đốm sọc, bạc lá do vi khuẩn xuất hiện gây hại; Rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh tăng về mật độ vào đầu tháng 5 gây cháy chòm cục bộ trên trà lúa giai đoạn chắc xanh, đỏ đuôi. Sâu đục thân gây hại trên trà lúa trỗ sau ngày 10/05/2022.

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Ủy ban nhân dân xã Tân Khánh hướng dẫn các biện pháp phòng trừ cụ thể như sau:

1. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié

Hình ảnh cây lúa nhiễm bệnh.

- Tiến hành phun phòng đối với những ruộng gieo cấy giống lúa nhiễm (TBR225, BC15, Nếp, J02...) và những ruộng đã bị nhiễm đạo ôn lá bằng thuốc hóa học đặc hiệu có đăng ký trong danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam như: Fuji-One 40EC, 40WP; Katana 20SC; Lúa vàng 20WP; Kasai 21.2WP; Fuan 40EC; Amistar Top® 325SC...

- Thời điểm phun: Phun khi lúa trỗ trên 10% hoặc sau khi lúa trỗ thoát.

- Đối với những ruộng bị bệnh đạo ôn lá hại nặng cần tiến hành phun kép 2 lần, Lần 1: Trước khi lúa trỗ 1-2 ngày; Lần 2: Sau khi lúa trỗ thoát. Sau khi phun thuốc nếu gặp mưa to cần phải phun lại.

2. Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc do vi khuẩn

Hình ảnh cây lúa nhiễm bệnh.

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm ổ bệnh, chú ý sau mỗi trận mưa rào kèm theo giông lớn, phun thuốc khi bệnh xuất hiện kết hợp các biện pháp canh tác khác như: Dừng ngay bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng.

- Sử dụng thuốc đặc hiệu có đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam như: Xantocin 40WP, Totan 200WP, Stifano 5.5 SL, PN-balacide 32WP... Sau khi phun thuốc 5 - 7 ngày, nếu bệnh chưa dừng phải tiến hành phun lại.

3. Đối với bệnh khô vằn

Hình ảnh cây lúa bị bệnh khô vằn.

Áp dụng tổng hợp các biện pháp chăm sóc cho cây lúa khỏe, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện ổ bệnh. Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để phun trừ như: Validacin 5SL; Tilt Super® 300EC; Saizole 5SC, Anvil® 5SC... Sau khi phun thuốc 5 - 7 ngày, kiểm tra lại, nếu bệnh chưa dùng phải tiến hành phun lại.

Chú ý:   + Khi lúa đang trỗ chỉ được phun vào buổi chiều mát.

 + Nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc.

Ngoài ra cần chú ý theo dõi một số ruộng bị chuột, sâu đục thân gây hại...



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 256023