Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Trao sinh kế để người dân thoát nghèo

2024-09-18 10:29:00.0

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Phú Bình đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân. Thông qua đó, các hộ có thêm động lực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Chị Triệu Thị Mạnh (ở xóm Kén, xã Nga My, Phú Bình) được hỗ trợ 1 con bò nái sinh sản để phát triển sản xuất.

Xác định việc trao "cần câu”, giúp hộ nghèo có sinh kế ổn định là giải pháp thiết thực nhằm giảm nghèo bền vững, UBND huyện Phú Bình đã chỉ đạo phòng chuyên môn triển khai các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt 2 dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Dự án 2) và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Tiểu dự án 1, Dự án 3).

Để khai thác hiệu quả nguồn vốn của 2 dự án trên, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng các mô hình, chương trình hỗ trợ cây, con giống phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nhu cầu của người dân. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã triển khai 9 mô hình với kinh phí phân bổ trên 5,3 tỷ đồng. Theo đó, địa phương tập trung thực hiện mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học tại các xã có địa hình vườn đồi như: Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành, Tân Hòa, Đào Xá... Đối với các địa phương có địa hình bằng phẳng, thổ nhưỡng phù hợp với trồng trọt như: Nhã Lộng, Lương Phú, Tân Đức, Dương Thành... huyện quan tâm hỗ trợ phát triển cây rau màu.

Cùng với đó, các phòng chuyên môn cũng phối hợp với các địa phương rà soát, tổ chức bình xét tại cơ sở để lựa chọn những hộ có khả năng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo tham gia mô hình. Trong quá trình triển khai, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ tham gia để định hướng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Cụ thể là hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; quy trình chăn nuôi, chăm sóc cây trồng an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn sinh học...

Nhờ tham gia mô hình nuôi gà đồi an toàn sinh học, gia đình anh Tạ Văn Hiếu (ở xóm Thông, xã Tân Khánh, Phú Bình) đã tích lũy được vốn và kiến thức kỹ thuật để mở rộng quy mô sản xuất, thoát nghèo cuối năm 2023.

Thông qua những giải pháp trên, các mô hình hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất được triển khai đã đạt hiệu quả tốt. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có thêm sinh kế để nâng cao thu nhập, đồng thời thay đổi tư duy, tập quán canh tác. Thông qua các mô hình này, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô để phát triển kinh tế gia đình.

Anh Tạ Văn Hiếu, xóm Thông, xã Tân Khánh, cho biết: Trước đây, gia đình tôi nuôi gà với quy mô chỉ vài trăm con. Do tôi không có kiến thức kỹ thuật nên gà thường xuyên bị bệnh, chậm lớn, giá bán thấp. Cuối năm 2022, tôi tham gia mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học và được hỗ trợ 400 con gà, 30 bao cám và tập huấn kỹ thuật. Sau khi tham gia mô hình, tôi đã tích lũy được ít vốn và kiến thức về chăn nuôi. Từ đó, tôi đã mạnh dạn tái đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Cuối năm 2023, gia đình tôi đã thoát nghèo. Hiện tôi đang phát triển chăn nuôi với quy mô gần 4.000 con/lứa.

Việc triển khai có hiệu quả các mô hình đa dạng hóa sinh kế trong thời gian qua đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 3,03%, giảm 2,37% so với đầu năm 2022.

Thời gian tới, Phú Bình sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nghèo trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Nguồn: Báo Thái Nguyên



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 261044