Xây dựng không gian mạng lành mạnh để lan toả giá trị tốt đẹp
2023-11-28 09:22:00.0
Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số sử dụng Internet cao trên thế giới với khoảng 72,1 triệu người, tương ứng với 73,2% dân số cả nước, với 76,95 triệu người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, chiếm 78,1% tổng dân số. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh chiếm 94,6%, cao hơn mức trung bình của thế giới. Thời gian sử dụng internet trung bình hằng ngày của một người là 6 giờ 38 phút, trong đó truy cập từ điện thoại di động là 3 giờ 32 phút, từ các thiết bị khác là 3 giờ 06 phút, trong đó có 2 giờ 28 phút sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Các phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất theo thứ tự tại Việt Nam là Facebook, Zalo, Facebook Messenger, Tiktok, Instagram, Twitter, Telegram, Pinterest,... Riêng mạng xã hội Facebook, có tới 70,4 triệu người sử dụng. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á (theo Bộ Thông tin và Truyền thông).
Còn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 1,3 triệu thuê bao di động, trong đó có khoảng 70% thuê bao sử dụng điện thoại thông minh; có khoảng trên 60 hội, nhóm Facebook đăng tải, chia sẻ thông tin về tỉnh Thái Nguyên, khoảng 10 (nhóm, Blog cá nhân, tài khoản) thường xuyên đăng tải, chia sẻ, thông tin về tỉnh Thái Nguyên. 6 tháng đầu năm 2023, Hệ thống Giám sát Thông tin trực tuyến (Reputa) đã rà quét được 84.014 lượt đăng tải chia sẻ các nội dung thông tin phản ánh về tỉnh Thái Nguyên với 33.901 thông tin tích cực; 3.891 thông tin tiêu cực; 46.217 thông tin trung lập).
Từ số liệu trên cho thấy không gian mạng đang là là kênh cung cấp, trao đổi thông tin nhanh chóng và kịp thời. Với thế mạnh và khả năng tương tác cao, độ bao phủ rộng, tiện dụng, các nền tảng mạng xã hội đã thu hút đông đảo người sử dụng, qua đó, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội, tình hình vi phạm pháp luật trên không gian mạng cũng có xu hướng tăng nhanh, diễn biến phức tạp, dưới nhiều hình thức khác nhau như đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán tin giả, tin sai sự thật; … Bên cạnh đó, lừa đảo trực tuyến nằm chiếm đoạt tài sản cũng có xu hướng gia tăng. Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) trong 6 tháng đẩu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 67,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Ông Vi Tuấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết các thông tin xấu, độc phát tán trên các nền tảng mạng xã hội thời gian gần đây chủ yếu là những thông tin bịa đặt, sai sự thật, truyền bá các loại video clip đồi trụy, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, thông tin mang tính giật gân, tạo ý kiến trái chiều nhằm mục đích câu like, view để trục lợi cá nhân. Thanh tra Sở đã phối hợp với Công an tỉnh xử lý nhiều vụ việc trên địa bàn tỉnh.
Thanh tra Sở TT&TT phối hợp với Công an TP Thái Nguyên xử phạt vi phạm hành chính với hành vi: "Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, danh sự nhân phẩm của cá nhân”
Các cơ quan quản lý đã có rất nhiều giải pháp để bảo vệ và giúp người dân có một hệ sinh thái an toàn và lành mạnh. Sáng 11/10 vừa qua, Bộ TT&TT đã công bố Chiến dịch Tin nhằm khuyến khích giới trẻ sáng tạo nội dung tích cực trên mạng xã hội nhằm mang lại giá trị chung cho cộng đồng. Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã thiết lập Trung tâm xử lý tin giả (Anti Fake News); làm việc và yêu cầu Facebook, Google, TikTok, Apple ngăn chặn, gỡ bỏ các link, game, videos, tài khoản vi phạm pháp luật Việt Nam; tổ chức Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”; Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên theo dõi thông tin viết về tỉnh Thái Nguyên trên mạng xã hội, kịp thời phối hợp với Công an tỉnh xử lý kịp thời theo quy định…
Và để phân biệt được tin giả, tin thật, không phải gánh chịu hậu quả khi sử dụng, đăng tải, chia sẻ thông tin, mỗi người dân cần phải thay đổi cách tiếp nhận thông tin, có kỹ năng số để lọc tin giả, tự xây dựng chuẩn mực đạo đức, tạo thói quen tích cực về hành vi, ứng xử trên MXH phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam để bảo vệ mình trên không gian mạng. Nếu mỗi người dùng mạng xã hội đều có nhận thức đúng đắn, tự sáng tạo những thông tin lành mạnh, tích cực thì sẽ lan tỏa được những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, tích cực tại Việt Nam.