Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Bản tin truyền thanh của đài truyền thanh xã Tân Khánh ngày 24/6/2024

2024-06-24 08:14:00.0

Đây, là đài truyền thanh xã tân khánh, phát trên sóng Fm tần số 99,0 MHZ

Kính chào toàn thể nhân dân xã Tân Khánh, mời toàn thê nhân dân nghe chương trình phát thanh do đài truyền thanh xã Tân Khánh thực hiện.

 

1. UBND xã Tân Khánh, Hướng dẫn Chăn nuôi an toàn sinh học để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu phi.

 

Theo báo cáo của Chi cục chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, hiện nay tình hình dịch bệnh đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 8/6/2024, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 2 xã Tràng Xá và Dân Tiến của huyện Võ Nhai. Tổng tiêu huỷ là 131 con trong đó 38 con lợn nái, 93 con lợn thịt và lợn con) của 31 hộ tại 09 xóm với tổng trọng lượng tiêu huỷ 3.212 kg.

Căn cứ Công văn số 103 công văn ban chỉ đạo, ngày 10/6/2024 của ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Phú Bình, về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Để ngăn chặn kịp thời, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra và chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn xã. Ban chỉ đạo phòng dịch bệnh động vật xã, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với các nội dung sau:

  1. Yêu cầu về chuồng trại và thiết bị chăn nuôi

- Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn động vật, côn trùng là vật chủ trung gian truyền bệnh (chim, chuột, ruồi muỗi.)

- Cổng ra vào trại nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào dãy chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng.

- Nên có ô chuồng cách ly: Nuôi lợn mới nhập hoặc nuôi lợn bị bệnh.

- Có khu vực thu gom và hệ thống xử lý chất thải riêng. Đường thoát nước từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.

- Nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô (mỗi chuồng 0,8m – 1m) để giảm thiểu lợn giữa các ô chuồng tiếp xúc với nhau. Chuồng nuôi lợn phải bố trí phù hợp với từng lứa tuổi của lợn và mục đích sản xuất.

- Không xử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các ô chuồng. Các dụng cụ khác trong chuồng trại, (xẻng, xô…) phải đảm bảo dễ vệ sinh, tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng.

 

2. Yêu cầu về con giống

Lợn giống mua về phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch (đối với lợn nhập ngoại tỉnh). Trước khi nhập đàn lợn phải được nuôi cách ly ít nhất 2 tuần.

3. Thức ăn, nước uống

Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, không hỏng mốc, còn hạn sử dụng và an toàn. Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn. Không sử dụng thức ăn thừa trong máng của đàn lợn đã xuất trước đó và đàn lợn đã bị dịch bệnh cho đàn lợn mới.

- Trong trường hợp phải trộn thuốc, hoá chất vào thức ăn, nước uống nhằm mục đích phòng bệnh hoặc trị bệnh phải tuân thủ thời gian ngừng thuốc, ngừng hoá chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất; không được sử dụng kháng sinh, hoá chất trong danh mục cấm theo quy định hiện hành.

- Nguồn nước cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo an toàn

- Nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hoá và sức đề kháng cho lợn (Lacto Powder T; Bacillus Weaner; …)

4. Vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ra, vào chuồng nuôi.

- Hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi. Công nhân chăn nuôi lợn phải ăn ở tại trại ít nhất 4 tuần sau đó mới thay đổi; không đưa thực phẩm tươi sống từ ngoài vào trại.

- Trước và sau khi vào, ra khu chăn nuôi phải thay bộ đồ bảo hộ lao động, sát trùng tay, nhúng ủng, giày hoặc dép vào hố khử trùng. Ngoài ra, đối với trang trại, khi di chuyển nên theo thứ tự: Lợn nái nuôi con, lợn cai sữa, nái chửa, lợn thịt.

- Chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi và chuồng nuôi phải bổ sung hoặc thay đổi hàng ngày.

- Định kỳ phun sát trùng quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh và ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh; phun sát trùng trên lợn 1 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi ít nhất 2 lần/tháng.

- Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày.

- Có biện pháp để kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác (nếu có) trong khu chăn nuôi. Khi sử dụng bẫy, bả phải có biển thông báo và ghi sơ đồ chi tiết vị trí đặt bẫy, bả và thường xuyên kiểm tra để thu gom để xử lý.

- Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để chống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn mới đến. Trong trường hợp trại bị dịch, phải để chống chuồng ít nhất 21 - 30 ngày, đảm bảo đầy đủ các điều kiện tái đàn và kê khai hoạt động chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên.

5. Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi.

- Không để các phương tiện như xe máy, xe đạp, xe thồ, … trong khu chuồng chăn nuôi lợn.

- Phương tiện vận chuyển trước và sau khi vào chuồng nuôi phải được khử trùng, tiêu độc. Đặc biệt không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn đến khu vực nuôi lợn. Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và sử dụng xe nội bộ của khu chuồng nuôi để vận chuyển.

- Nên có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, trường hợp dùng chung thì phải vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước khi sử dụng.

6. Xử lý chất thải chăn nuôi và bảo vệ môi trường

- Chất thải được gom để xử lý phải để ở cuối chuồng, xa khu chuồng nuôi, xa khu cấp nước.

- Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt hoặc hoá chất, hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi được đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định hiện hành của thú y.

- Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng chất thải lỏng phải được xử lý bằng hoá chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp.

7. Quản lý dịch bệnh

- Có quy trình phòng bệnh phù hợp từng loại lợn và thực hiện đúng quy trình. Trong trường hợp có dịch, phải khai báo chính quyền địa phương và thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về phòng, chống dịch.

- Cách ly lợn ốm để có biện pháp xử lý kịp thời, ngừng xuất lợn giống và kiểm soát chặt chẽ việc xuất sản phẩm, vật tư khu chăn nuôi lợn ra ngoài theo quy định.

- Khi xảy ra dịch tại ô chuồng hay cả chuồng cần tiêu độc, khử trùng tại chỗ:

+ Cần che bạt, bao vây kín ô chuồng hoặc cả chuồng, với lợn nái nuôi con và toàn bộ lợn con, đối với các loại lợn khác loại toàn bộ ô chuồng hoặc cả chuồng nếu dịch xảy ra.

+ Lợn bệnh phải tiêu huỷ theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

+ Không rửa ngay ô chuồng bị bệnh, tiến hành che bạt, bao vây kín, phun chất sát trùng đậm gấp 2 lần bình thường liên tục 3 - 4 ngày, sau đó rửa lại bằng nước sạch, tránh làm bắn nước sang ô chuồng hoặc chuồng kế bên, tiếp tục phun sát trùng 2-3 ngày.

- Bao bì, dụng cụ đựng thức ăn của đàn lợn bị bệnh phải được tiêu độc, khử trùng.

- Thực hiện ghi chép và lưu giữ nhật ký chăn nuôi.

8. Ghi chép và kiểm tra nội bộ trong trang trại

- Trang trại chăn nuôi lợn phải lập sổ, ghi chép theo dõi và lưu trữ các thông tin trong quá trình chăn nuôi.

- Chủ trang trại phải tổ chức tiến hành kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn sinh học định kỳ.

Trên đây là Hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi của UBND, ban chỉ đạo phòng chống dịch bênxã Tân Khánh tuyên truyền để mọi người được biết và thực hiện chăn nuôi, phòng bệnh. Cảm ơn toàn thể nhân dân đã lắng nghe.

 

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 261034