UBND xã Tân Khánh tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử đối với thanh thiếu niên
2023-11-21 08:50:00.0
Thuốc lá điện tử còn được gọi tên khác như E-cigarette hay Vape, là thiết bị điện tử cầm tay, sử dụng pin để làm nóng dung dịch điện tử có chứa nicotine và các chất hóa học khác, tạo ra các hạt khí dung cho người dùng hít vào.
Hiện nay, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được các cơ sở giáo dục chú trọng triển khai, trên cả nước tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở tuổi thanh thiếu niên đã giảm qua các năm (ở độ tuổi 15-24: giảm từ 26% vào năm 2013 xuống 13% vào năm 2019; trong độ tuổi học sinh 13-17: giảm từ 5,36% vào năm 2013 xuống 2,78% vào năm 2019).
Tuy nhiên thực trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá vẫn còn xảy ra trong và ngoài nhà trường. Gần đây, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) đã tiếp nhận 4 học sinh (sinh năm 2008) nhập viện với các triệu chứng ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử; Trường THCS Thạch Kim (Lộc Hà - Hà Tĩnh) phát hiện 61 học sinh tham gia hút thuốc lá điện tử, chủ yếu là học sinh lớp 6, lớp 7;... Đây là hồi chuông cảnh báo cho thấy việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử đang có dấu hiệu gia tăng trong trường học.
Các yếu tố làm gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên
Đầu tiên là do các em hiểu chưa đúng về tác hại của thuốc lá điện tử. Cho rằng thuốc lá điện tử là sản phẩm ít hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường và là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, đây là các thông tin sai sự thật.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định “Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường”.
Thuốc lá điện tử không giúp cai nghiện thuốc lá vì hầu hết các sản phẩm này vẫn có chứa nicotine mặc dù nhiều sản phẩm quảng cáo không có nicotine. Hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá, thay vào đó họ tiếp tục sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu truyền thống.
Một số sản phẩm thuốc lá điện tử hiện nay.
Tiếp theo là do ảnh hưởng của các hình thức quảng cáo nhằm vào thanh thiếu niên. Các công ty thuốc lá coi thanh thiếu niên là các khách hàng có tiềm năng quan trọng, do đó chú trọng tạo ra các sản phẩm theo sở thích giới trẻ. Các phẩm có hương vị mới phù hợp với sở thích của thanh thiếu niên như vị trái cây, vị kẹo,... Thiết kế ấn tượng, đa dạng về màu sắc và hình dạng, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi để hấp dẫn giới trẻ. Rất nhiều sản phẩm được thiết kế như đồ dùng học tập (bút, USB,...), dây đeo cổ, đồng hồ đeo tay, cây son môi…nên giáo viên và cha mẹ không biết vì không nhận dạng được đó là thuốc lá điện tử.
Cùng với nhiều hình thức quảng cáo dễ tiếp cận như: quảng cáo qua mạng xã hội (Instagram, Facebook,…); quảng cáo qua người nổi tiếng và có ảnh hưởng... Các sản phẩm thuốc lá điện tử cũng dễ mua và dùng thử.
Cuối cùng, một số thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử là do bị bạn bè lôi kéo. Thiếu bản lĩnh, thiếu kỹ năng sống, tâm lý e ngại mất bạn, sợ không hòa đồng với bạn bè, sợ bị cô lập trong nhóm bạn…là lý do nhiều thanh thiếu niên bắt đầu dùng thuốc lá điện tử.
Tác hại của thuốc lá điện tử đối với thanh thiếu niên
Hầu hết thuốc lá điện tử chứa thành phần nicotine – là chất gây nghiện mạnh và rất nhiều hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Ở lứa tuổi thanh thiếu niên khi hút thuốc lá điện tử sẽ dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá, gặp phải các căn bệnh nguy hiểm, gây nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và tương lai sau này. Một số bệnh lý có thể mắc phải như:
Bệnh lý đường hô hấp như viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, bệnh viêm phổi lipid, tràn khí màng phổi nguyên phát, suy giảm chức năng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,…
Bệnh lý tim mạch, một số hóa chất độc hại như nicotine, carbon monoxide trong khói thuốc lá điện tử làm làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ.
Ung thư, một số hợp chất có trong khói thuốc lá điện tử như: formaldehyd, acrolein, toluene, các kim loại nặng (như niken và chì) có thể gây các thay đổi tế bào dẫn đến ung thư.
Ngoài ra, có thể gặp phải chấn thương do cháy nổ thiết bị điện tử, các thiết bị trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi và gây nổ gây ra các chấn thương, bỏng nghiêm trọng (miệng, mặt, cổ, mắt mũi, xương hàm).
Khói từ thuốc lá điện tử cũng gây hại cho sức khỏe của những người xung quanh. Khi hít phải các chất độc hại như aldehydes, carbon monoxide... trong khói của thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc ung thư và tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ.
Để phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử đối với thanh thiếu niên, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền cho trẻ biết về các tác hại của thuốc lá điện tử. Giáo dục trẻ ý thức tuân thủ pháp luật, nội quy của nhà trường về việc nghiêm cấm mua bán, sử dụng các sản phẩm thuốc lá đối với học sinh. Rèn luyện các kỹ năng sống cho trẻ như kỹ năng chăm sóc sức khỏe, tránh xa những chất độc hại, không có lợi cho sức khỏe; kỹ năng từ chối trước những cám dỗ; kỹ năng chia sẻ;.... Bên cạnh đó, tạo các sân chơi lành mạnh và khuyến khích trẻ tham gia như các câu lạc bộ thể thao, âm nhạc,…